8 tác dụng của Cây Bằng Lăng – sức khỏe, cách dùng và lưu ý

Mùa hè đang về với sắc bằng lăng tím nở rộ gắn liền với tuổi học trò đầy kỷ niệm. Có lẽ vì thế mà cây bằng lăng đã không còn xa lạ gì đối với mỗi chúng ta.

Không chỉ làm đẹp phố phường, bằng lăng còn được coi là vị thuốc quý thường dùng trong y học cổ truyền mà chúng ta không phải ai cũng biết đến.

1. Tìm hiểu về cây bằng lăng tím

1.1. Đặc điểm cây bằng lăng

Trong khoa học, bằng lăng tím  được biết đến với tên gọi Lagerstroemia speciosa (L.) Pers có nguồn gốc từ Australia, Ấn Độ. Bằng lăng được xếp vào họ Tử Vi – Săng lẻ – Lythraceae.

Là loại cây thân gỗ lâu năm, bằng lăng cao trung bình khoảng 4-15m. Dáng cây thẳng đẹp, nhẵn nhụi, phân nhánh cao và tán tỏa xum xuê. Cũng như những loài cây khác, lá bằng lăng xanh có hình elip hoặc oval. Bản lá thường dài khoảng 8-15cm, rộng 3-7cm. Mùa thu lá thường rụng nhiều, sang xuân lại đâm chồi nảy lộc.

Bằng lăng có tác dụng gì?

Bằng lăng có tác dụng gì?

Ngoài sắc tím lãng mạn nên thơ, hoa bằng lăng còn có màu khác như trắng, hồng và tím đậm tùy giống. Mỗi bông gồm 6 cánh hoa mỏng hình mắt chim xếp vào nhau tựa như cánh ve bay trong gió đẹp đến lạ kỳ. Thông thường hoa sẽ mọc thành từng chùm có tán lớn ở mỗi đầu cành. Hè đến cũng là lúc hoa bằng lăng vào mùa nở rộ, khoe sắc.

Khi còn nhỏ, nụ hoa bằng lăng có hình nón hoặc hình trái xoan. Đài hoa hình chuông được phủ bên ngoài rất nhiều lông mềm. Phần nhị bầu xù xì  thường có 5-6 ô. Quả nang hình trứng dài, nằm sâu trong khoảng 1/3 của đài.

Ta thường thấy quả bằng lăng hình cầu với đường kính  1,5 -2 cm. Lúc còn non quả mang màu xanh pha tím nhạt, sờ vào khá mềm. Về già, quả cứng lại và có màu nâu gỗ đặc trưng

1.2. Các loại cây bằng lăng

Hiện nay ở nước ta, bằng lăng được trồng phổ biến trải rộng khắp mọi nẻo đường. Bạn sẽ bắt gặp rất nhiều loại như bằng lăng tím, bằng lăng nước, bằng lăng tía hay bằng lăng ổi hoa trắng…. Tuy nhiên, không phải loại nào cũng được sử dụng làm thuốc.

Bằng lăng tím là loại phổ biến nhất mà chúng ta thường thấy với mục đích trang trí, tạo bóng mát, cảnh quan. Bằng lăng lùn có kích thước bé hơn, thường được trồng trong chậu để làm cảnh.

Hình ảnh cây bằng lăng

Hình ảnh cây bằng lăng

Theo các nghiên cứu và trong dân gian, loài bằng lăng tía được sử dụng làm thuốc nhiều hơn cả. Loài này có thân rất giống với thân cây ổi nên còn được gọi là bằng lăng ổi, thường cao từ 20m-30m. Trong vỏ cây có chứa rất nhiều alcaloid, flavonoid, saponin, coumarin… và nhất là tannin nên được dùng làm thuốc, có tác dụng kháng khuẩn.

Được xem như một dược liệu quý giá, bằng lăng tía có mùi thơm đặc trưng, vị chát và không gây độc với người dùng.

1.3. Sự phân bố và hình thức thu hoạch bằng lăng

Bằng lăng có thể mọc dại hoặc được trồng trải dài khắp đất nước ta. Cây thường thấy chủ yếu ở các tỉnh Bắc Trung Bộ như Quảng Bình, Quảng Trị, Huế và một số ở khu vực Tây Nguyên. Ngoài ra, ở vùng Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Phước, người ta cũng chọn bằng lăng để xây dựng cảnh quan đô thị, vừa tạo bóng mát vừa thanh lọc không khí.

Vỏ thân cây là bộ phận được sử dụng làm thuốc nhiều hơn cả. Người ta có thể thu hoạch quanh năm nhưng tốt nhất là vào mùa thu Sau khi thu hoạch về, phần vỏ thân này sẽ được rửa sạch và cạo bỏ lớp ngoài. Tiếp tục trải qua công đoạn phơi hoặc sấy khô cẩn thận. Sau đó sẽ được bảo quản kĩ càng và sử dụng dần dần.

Sử dụng bằng lăng trị bệnh

Sử dụng bằng lăng trị bệnh

1.4. Ý nghĩa hoa bằng lăng tím

Ngoài tên bằng lăng tím quen thuộc, loài này còn được gọi là bằng lăng nước. Cũng như phượng đỏ, bằng lăng tím là biểu tượng cho tuổi học trò ngây thơ. Đó là tình bạn bè thắm thiết hay là câu chuyện tình yêu lãng mạn trong sáng. Mùa hè – mùa bằng lăng nở rộ là mùa chia tay bạn bè, thầy cô và mái trường thân thương trong ký ức mỗi người.

Quanh mọi nẻo đường, bằng lăng tím sừng sững tôn lên cảnh quan đô thị. Bên cạnh đó, cây còn được sử dụng nhiều trong các công trình thiết kế sân vườn, nhà ở tạo nên cảnh đẹp đầy thơ mộng.

2. Cây bằng lăng mang lại những tác dụng gì?

2.1. Tốt cho người bệnh tiểu đường

Dùng 50g lá già hoặc 50g quả khô với 0,5 lít nước, sau đó đun sôi. Chắt lấy phần nước, uống 4-6 cốc trong ngày có tác dụng phòng và chữa bệnh rất tốt.

2.2. Giúp giảm cân hiệu quả

Lấy lá bằng lăng đun nước uống vừa giúp ngăn chặn sự tích tụ carbohydrate vừa giảm sự hình thành mỡ. Đặc biệt, đây là cách giảm cân hiệu quả đối với người bị bệnh tiểu đường loại 2.

2.3. Có tác dụng với người bệnh gout

Lá bằng lăng có chứa valoneic acid dilatone có khả năng ức chế xanthine oxidase giúp giảm acid uric trong máu. Nhờ vậy, người bệnh gout có thể cải thiện tình trạng bệnh của mình. Có nghiên cứu cho rằng, dịch chiết từ lá bằng lăng có tác dụng tốt hơn so với việc  dùng thuốc tân dược.

2.4. Có tác dụng điều trị kiết lỵ

Sắc khoảng 1,5g vỏ cây bằng lăng khô để lấy nước uống còn giúp trị bệnh kiết lỵ rất tốt.  Trẻ em cần uống liên tục trong 5-7 ngày và 10-15 ngày đối với người lớn.

2.5. Chữa vết thương bỏng

Cao cô đặc lại từ nước lá bằng lăng có tác dụng hiệu quả trong việc làm lành vết thương. Thoa nhẹ cao lên phần da bỏng 1 lần mỗi ngày  để vết thương không bị nhiễm trùng và mau lành lặn.

2.6. Có tác dụng với người bị nấm da, hắc lào

Vỏ bằng lăng sau khi được thái nhỏ sẽ ngâm với cồn 70 độ với tỷ lệ 20-30% trong 1 tháng. Sau đó lấy bôi lên vùng da bị nấm để chữa trị.

2.7. Làm giảm nhiễm khuẩn

Dùng vỏ bằng lăng nấu nước rồi cô đặc lại thành cao. Khi bôi lên vết thương sẽ giúp tạo lớp màng che phủ bảo vệ tránh nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, cao này còn có tác dụng làm giảm cảm giác đau đớn mỗi lần thay băng.

2.8. Bằng lăng giúp hỗ trợ bệnh lợi tiểu

Hãm lá bằng lăng như nước trà uống hàng ngày là một cách hiệu quả giúp lợi tiểu và phòng tránh các bệnh về đường tiết niệu.

3. Trồng bằng lăng tím 

3.1. Phương pháp trồng và chăm sóc cây bằng lăng tím

Cũng giống như một số cây khác là cây đa búp đỏ, cây sò đo cam…, bằng lăng thuộc loại cây công trình, tạo bóng mát, ưa sáng, dễ trồng và ít tốn công chăm sóc.

Cây thích hợp với đất tơi xốp, đất mùn dễ thoát nước, những nơi rộng rãi, thông thoáng. Vì vậy, với vùng có độ pH thấp, đất cần được xử lý vôi thêm. Khi trồng cây lớn cần chuẩn bị đất trồng trước một tháng bằng cách trộn đất với phân bón. Đầu mùa mưa là thời gian thuận lợi để trồng cây. Cây thường cần khoảng 5-6 tháng để phát triển ổn định.

Khi mới trồng cần chú ý chăm sóc cây cẩn thận trong 2 năm đầu. Để giúp cây phát triển tốt. mỗi năm cần làm cỏ xới đất, vun gốc 2 – 3 lần. Bên cạnh đó, việc để ý sâu đục thân và bón thúc phân vi sinh, phân hữu cơ hàng năm rất quan trọng. Còn lại hầu như không cần  phải tưới nước thường xuyên và tốn công chăm sóc nhiều cho cây.

Thông thường, bằng lăng được nhân giống bằng hạt.

3.2. Những nơi trồng và cách trang trí bằng lăng tím

Sở hữu dáng cây đẹp, sắc hoa lãng mạn lại hầu như không phải chăm sóc nhiều nên bằng lăng khá được ưa chuộng. Tán cây rộng, che nắng tốt nên được trồng nhiều tạo cảnh quan đô thị, trường học, sân công sở, đô thị,công viên… Cây cũng giúp tạo bóng mát cho sân vườn hay nhà ở.

Thân gỗ bằng lăng còn dùng để đóng thuyền, đồ nội thất nhờ chất gỗ dẻo bền và có màu vàng nâu đẹp mắt.

4. Lưu ý dùng bằng lăng

Bên cạnh vỏ thân cây, hạt bằng lăng cũng được dùng với tác dụng an thần, giúp ngủ ngon rất tốt. Quả bằng lăng dùng để đắp ngoài chữa trị vết loét miệng. Vỏ cây còn giúp người sử dụng nhuận tràng chống táo bón hiệu quả.

Lá già và quả già có tác dụng hạ đường huyết tốt nhất, trong khi lá non và quả non chỉ có hiệu quả 70%.

5. Lời kết

Trên đây là một vài thông tin cơ bản về đặc điểm cũng như công dụng, cách thức sử dụng cây bằng lăng vốn quen thuộc với mỗi người chúng ta. Mong rằng bạn  đã có được những kiến thức bổ ích cho chính mình. Chúc bạn thành công khi áp dụng những công dụng tốt của bằng lăng vào đời sống nhé!

4.5/5 - (2 bình chọn)
4.5/5 - (2 bình chọn)