Kỹ thuật nuôi cá Trắm đen nhanh lớn – chất lượng thịt ngon

Cá trắm đen được đánh giá là thực phẩm được thị trường ưa chuộng, và luôn trong tình trạng khan hiếm. Trong khi đó kỹ thuật nuôi cá trắm đen không quá phức tạp, chỉ cần nắm được quá trình chăm sóc cơ bản là bà con có thể bắt tay vào nuôi được.

Kỹ thuật nuôi cá trắm đen

Kỹ thuật nuôi cá trắm đen

Trong bài viết này, #wikiohana xin được cùng bà con tìm hiểu kỹ thuật nuôi cá trắm đen hiệu quả.

1. Hướng dẫn chuẩn bị ao nuôi cá

Cá trắm đen có thể được nuôi trong ao mới đào hoặc ao có sẵn từ lâu. Tùy theo điều kiện có sẵn của gia đình, ao nuôi có thể có diện tích từ vài trăm mét vuông đến hàng mẫu.

Tuy nhiên, điều kiện lý tưởng nhất để nuôi cá Trắm đen là ao nuôi hình chữ nhật. Diện tích từ 1000 – 3000 mét vuông, độ sâu khoảng 2-3m. Những ao, hồ nuôi đạt tiêu chuẩn trên thì cá sẽ lớn nhanh và ít bị bệnh.

1.1 Lựa chọn vị trí ao nuôi

Nên chọn những ao nuôi gần nguồn nước sạch ( sông, hồ lớn ) để tiện việc thay nước khi cần. Cùng với đó là hệ thống thoát nước của ao nuôi cần phải thuận tiện.

Ao nuôi cá trắm đen cần phải rộng và có độ sâu lớn

Ao nuôi cá trắm đen cần phải rộng và có độ sâu lớn

Ao nuôi cũng cần phải nhận được nhiều ánh sáng mặt trời. Giúp cho các sinh vật là thức ăn của cá trắm lúc nhỏ có thể phát triển.

1.2 Thực hiện gia cố bờ ao

Bà con cần phải đảm bảo bờ ao không được dò dỉ nước, xung quanh bờ không có hang hốc. Với những ao mới đào cần phải gia cố kè hoặc đóng cọc để không bị sạt lở bờ. Độ cao của bờ ao đối với mặt nước ít nhất là 0.5m, để đảm bảo những ngày mưa lớn nước không bị tràn bờ dẫn đến mất cá.

Phía trên bờ, bà con nên hạn chế trồng các cây có tán lớn che phủ bóng xuống ao. Những cây lớn này sẽ làm rụng lá xuống, gây ô nhiễm nguồn nước. Đồng thời tán cây lớn che ánh nắng mặt trời, khiến cho các sinh vật là thức ăn của cá trắm không thể phát triển.

Cùng với đó, xung quanh bờ ao cần phá bỏ những bụi rậm là nơi phát triển của địch hại.

1.3 Chuẩn bị nước trong ao nuôi

So với các loại cá khác, cá Trắm đen có nhu cầu về oxi cao hơn. Nếu như sống trong môi trường thiếu oxi thì cá sẽ chậm lớn, dễ bị bệnh.

Vì lý do trên nên môi trường nước trong ao nuôi cần luôn sạch sẽ, thông thoáng mặt ao. Nếu có điều kiện đầu tư thì mỗi 500 m2 bề mặt, bà con bố trí một máy phun mưa để tăng sự khếch tán oxy vào trong nước khi cần thiết.

Mực nước trong ao tối thiểu sâu 1,5m. Ngoài ra cần phải có hệ thống bơm và xả nước thuận lợi sẵn sàng.

1.4 Xử lý đáy ao cá trắm đen

Tốt nhất là đáy ao nên bằng phẳng và dốc về một phía để lúc thu hoạch hay tháo nước dễ dàng. Độ dốc đáy ao vừa phải về phía cống thoát.

Xử lý bùn dưới đáy ao

Xử lý bùn dưới đáy ao

Cùng với đó là sau mỗi lần thu hoạch, cần phải nạo vét bùn trong đáy ao. Không nên để lượng bùn quá dày là nơi cư trú của nhiều sinh vật hại. Và lượng khí độc tích trong bùn như CH4, H2S ảnh hưởng đến sức khỏe của cá.

1.5 Kỹ thuật xử lý ao trước khi thả cá

Ao cần phải làm sạch nước trước 7-10 ngày thả cá. Cùng với đó là dọn sạch sẽ bụi cây quanh bờ, rong cỏ dưới đáy ao. Nếu ao quá dày bùn cần phải nạo vét bớt, nếu ao mới đào cần tạo 1 lớp bùn mỏng dưới đáy ao. Độ dày bùn thích hợp là 15-20cm đáy áo.

Rắc vôi bột dưới đáy ao với tỉ lệ 7-10kg/100m2 để diệt các mầm bệnh cũng như cá tạp dưới đáy ao. Vôi cũng có tác dụng tạo màu nước xanh sau này.

Đánh bắt cá trắm đen

Đánh bắt cá trắm đen

Ngoài ra, bà con có thể bón thêm phân gây màu cho nước ao, đồng thời cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên cho cá. Với tỉ lệ 20-25kg phân chuồng mỗi 100 mét vuông ao. Tuy nhiên, nếu ao có lớp bùn quá dày thì nên hạn chế lượng phân hoặc không cần thả phân xuống ao.

Lưu ý khi lấy nước vào ao: Bà con nên sử dụng lưới mắt nhỏ để bọc vòi lấy nước, tránh để các loại cá tạp theo dòng nước vào ao. Nhất là tránh cá rô phi con vào ao, chúng phát triển sinh sản rất nhanh. Dẫn đến cạnh tranh thức ăn với cá trắm đen.

Xem thêm:

2. Kỹ thuật nuôi cá trắm đen đạt hiệu quả năng suất cao

2.1 Lựa chọn giống

Lựa chọn những con cá thân hình khỏe mạnh, không bị xây xát và chúng có kích thước đồng đều. Bà con có thể lựa chọn loại cá bé loại 1 lạng 2 con hoặc loại lớn hơn 2-3 lạng / con.

Mật độ thả: với cá bé, bà con có thể thả với mật độ 2 con/m2. Với loại cá 2-3 lạng / con thì nên thả với mật độ 1 con/m2. Với mật độ này, có thể điều chỉnh thêm hoặc bớt khi cá lớn hơn, tùy vào điều kiện nước và nguồn thức ăn.

Thả cá giống xuống ao nuôi

Thả cá giống xuống ao nuôi

Cá trắm đen có thể nuôi đơn hoặc nuôi ghép cùng với các loại cá khác trong ao. Nếu quyết định nuôi ghép, cần lưu ý chọn những loại cá phù hợp để tránh cạnh tranh trực tiếp nguồn thức ăn của cá trắm.

Cá mè, cá chép, cá rô đồng, … là những loại cá có khả năng ghép cùng với cá trắm đen. Cá mè có khả năng làm sạch nguồn nước, đồng thời không cạnh tranh thức ăn đối với cá trắm đen. Tuy nhiên, cá mè lại cạnh tranh lượng oxy trong nước với cá trắm đen. Cùng với đó là giá thành bán cá mè khá rẻ, nên bà con nên cân nhắc nếu quyết định nuôi ghép cùng cá mè.

Tỉ lệ nuôi ghép phù hợp là 80% cá trắm với khoảng 20% cá khác. Nên thả cá vào thời điểm mát mẻ trong ngay, và cân bằng nhiệt độ giữa bao cá và nhiệt độ nước ao. Tránh làm cá sốc nhiệt, dẫn đến suy yếu ngay sau khi được thả.

2.2 Cá trắm đen ăn gì? Thức ăn cho cá trắm đen

Sử dụng loại thức ăn viên nổi cho cá trắm đen, kích thước 1-10mm tùy theo độ lớn của cá. Bà con có thể mua tại các điểm bán thức ăn chăn nuôi, và nhờ nhân viên tư vấn loại thức ăn cho cá phù hợp.

Thức ăn viên cho cá trắm đen

Thức ăn viên cho cá trắm đen

Cho cá ăn hàng ngày, mỗi ngày 2 lần. Lượng cám cho ăn tỉ lệ với trọng lượng cơ thể cá. Tỉ lệ này cũng thay đổi theo điều kiện thời tiết, tình trạng sức khỏe của cá và môi trường ao nuôi.

Khi cá đạt trọng lượng 500-600g/con, bà con có thể mua thêm ốc vặn về cho cá ăn. Nhằm tiết kiệm chi phí thức ăn viên.

2.3 Kỹ thuật chăm sóc cá trắm đen

Mực nước trong ao nuôi cần phải duy trì từ 1.5m – 2m, với cá trưởng thành thì mực nước cần lớn hơn 2m. Ngoài ra, hàng tuần bà con cần phải bơm lượng nước mới vào ao và xả bớt nước cũ.

Thường xuyên kiểm tra môi trường nước ao, nếu như có biểu hiện bất thường cần phải xử lý kịp thời. Đó có thể là dùng vôi để khử nguồn nước, hay dùng các loại thuốc và hóa chất phù hợp.

Cho cá trắm đen ăn hàng ngày

Cho cá trắm đen ăn hàng ngày

Bà con cần định kỳ kiểm tra trọng lượng của cá hàng tháng, để theo dõi sức khỏe bằng cách bắt ngẫu nhiên 30 con. Tính khối lượng trung bình, từ đó suy ra lượng thức ăn phù hợp với cá. Trong quá trình đánh bắt, cần phải nhẹ nhàng tránh làm xây xước cũng như làm hoảng loạn ao cá.

Vào những thời kỳ chuyển mùa cá rất dễ bị bệnh, để hạn chế ta nên cho ăn thêm thuốc phòng bệnh. Sử dụng thuốc Tiên đắc, với liều dùng 100g thuốc cho 500kg cá / ngày. Bà con cho cá ăn liên tiếp trong 3 ngày. Nếu như phát hiện cá bị bệnh, bà con tăng liều dùng lên gấp 5 lần. Đây là thuốc thảo mộc nên không sự ảnh hưởng đến sức khỏe của cá.

Xem thêm :

3. Hướng dẫn thu hoạch cá trắm đen

Sau khoảng 10 tháng đến 1 năm là cá sẽ đạt được trọng lượng  3kg – 3,5kg/con ( có con lên đến 5-6kg). Bà con tiến hành thu tỉa để giảm mật độ cá. Năng suất cá ước đạt > 10 tấn/ha/vụ.

Thu hoạch cá trắm đen vào những dịp cao điểm cho thu nhập cao hơn

Thu hoạch cá trắm đen vào những dịp cao điểm cho thu nhập cao hơn

Bà con có thể lựa chọn thu hoạch vào các dịp lễ tết, 30/4 – 1/5 lúc này nhu cầu tăng vọt. Giá cá thương phẩm tại thời điểm này cũng cao hơn so với ngày bình thường.

Khoảng 2-3 ngày trước khi thu hoạch, cần giảm lượng thức ăn cho cá. Mục đích làm giảm sốc trong quá trình thu hoạch, vận chuyển và sống cá. Trong quá trình thu hoạch cần nhẹ nhàng, tránh gây sốc cho cả đàn.

Kết bài

Như vậy #wikiohana đã cùng bà con tìm hiểu kỹ thuật nuôi cá trắm đen hiệu quả, đạt năng suất cao. Cùng với đó là những lưu ý trong quá trình chăm sóc cá trắm đen. Nhìn chung đây là loại cá dễ nuôi, dễ chăm sóc và có giá trị kinh tế cao. Một hướng đi đúng đắn cho bà con nếu như gia đình có điều kiện ao nuôi tốt thì nên triển khai.

Chúc bà con thành công!

Cập nhật 26/06/2020

2.5/5 - (2 bình chọn)
2.5/5 - (2 bình chọn)