Kỹ thuật trồng ngô hiệu quả – ít bệnh – cho năng suất cao

Ngô là một loại cây dễ trồng và rất phổ biến. Chúng có thể phát triển trên nhiều loại đất khác nhau như đất ven sông, đất 2 vụ lúa, đất đồi hay đất chuyên màu.

Tuy nhiên, để cây phát triển tối đa thì đất có thành phần cơ giới nhẹ, độ màu mỡ cao, dễ thoát nước, có tầng canh tác dày và độ pH trung tính (từ 6 đến 7) là được.

Trong chuyên mục này, chúng tôi sẽ đi sâu hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng ngô và cách chăm sóc sao cho chúng đạt được năng suất cao nhất.

1. Trồng ngô cần chuẩn bị những gì?

1.1 Nên trồng ngô vào tháng mấy? Thời vụ trồng ngô

Trong việc trồng cây nông nghiệp thì thời vụ là một yếu tố quan trọng. Nó quyết định đến năng suất cũng như chất lượng của loại cây trồng. Tùy vào điều kiện sinh thái gồm thời tiết, khí hậu, nhiệt độ mà đưa ra được thời điểm gieo trồng tốt nhất. Chú ý, bạn nên gieo trồng trong thời gian khuyến cáo của cơ quan nông nghiệp trong vùng để phù hợp với cơ cấu mùa vụ.

  • Vụ Đông Xuân: Thời điểm này sẽ gieo hạt từ tháng 12 
  • Vụ Hè: Thời gian gieo hạt thích hợp là từ tháng 3 đến tháng 4
  • Vụ mùa, Thu: Lúc này hạt sẽ được gieo từ tháng 6 cho đến trước ngày 10/8 (tùy vào thời vụ của vụ trước).
Ươm giống ngô

Ươm giống ngô

1.2 Thực hiện làm đất trồng

Ngô là một trong số những cây có khả năng phát triển mạnh và sinh sôi cao. Do đó, để tránh hiện tượng cây đổ, gãy ảnh hưởng tới chất lượng cũng như năng suất về sau thì đất trồng cần được cày bừa kỹ (độ sâu từ 20 đến 25cm), phay nhỏ để thông thoáng tạo điều kiện cho rễ phát triển mạnh cũng như tăng độ bám, hạn chế tình trạng đổ, gãy.

Loại cây này cũng không chịu úng được. Do vậy, vào mùa mưa đất trồng cần được xẻ rãnh hoặc đắp bồn đất lên cao để hạn chế hiện tượng ngập úng.

Để tận dụng tối đa điều kiện thuận lợi của thời tiết cũng như thời điểm cho vụ sau, vào vụ đông trên đất 2 lúa bạn nên trồng ngô bầu, ngô bánh. Các công đoạn như làm đất, lên luống, lên băng cũng cần được làm tối thiếu để chống úng cho ngô giai đoạn đầu.

Tiến hành làm đất

Tiến hành làm đất

1.3 Nên chọn giống Ngô gì?

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều giống ngô cho năng suất cao từ 7 đến 12 đến 1 ha cũng như 1 số loại ngô đã chuyển gen, kháng được sâu bệnh, thuốc trừ cỏ. Loại này thích hợp cho sản xuất thâm canh sẽ giúp tăng năng suất và hiệu qủa kinh tế.

Tùy theo mùa vụ cũng như kinh tế đầu tư mà bạn chọn giống cây cho phù hợp. Nguyên tắc chọn giống chuẩn là: nếu mùa vụ gieo trồng có nền nhiệt cao thì nên chọn giống trung và dài ngày. Ngược lại thì chọn giống ngắn ngày; đất tốt, có tiềm năng thâm canh thì chọn giống cho năng suất cao và ngược lại.

Xèm thêm:

2. Hướng dẫn gieo trồng và chăm sóc Ngô đúng cách

2.1 Gieo trồng

– Lượng giống gieo trồng thích hợp là từ 15 đến 20kg trên 1 ha. Số lượng này có thể thay đổi tùy thuộc vào giống và mật độ cây trồng. Ngoài ra cần dự trữ bầu giống để dặm.

– Mật độ là yếu tố ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng. Căn cứ vào đặc tính giống, mùa vụ, chất đất cũng như tiềm năng thâm canh mà bạn bố trí mật độ sao cho phù hợp.

– Nếu là giống dài ngày (được trồng khi đất tốt, nền nhiệt và độ ẩm không khí cao như vụ hè thu hoặc thu đông) thì nên gieo với mật độ thấp. Ngược lại, giống ngắn ngày, nền nhiệt, độ ẩm không khí và chất đất kém thì nên gieo với mật độ cao.

– Hiện nay, mật độ gieo trồng phổ biến nhất là từ 5,7 đến 7,1 vạn cây trên 1 ha.

– Khoảng cách sẽ tùy vào diện tích cũng như mật độ mà bạn có thể điều chỉnh. Hoặc là hàng cách hàng 70cm, cây cách cây 20 – 25m gieo 1 hạt. Hoặc hàng cách hàng 60cm, cây cách cây 25- 30cm gieo 1 hạt.

2.2 Dinh dưỡng

Theo kết quả điều tra cho thấy, hiện nay năng suất của ngô vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của giống và của vùng trồng. Nguyên nhân được đưa ra là do phân bón chưa đạt chuẩn. Thừa đạm nhưng thiếu kali và các chất trung vi lượng.

Trung bình mỗi ha ngô cho năng suất  tấn hạt. Như vậy cây đã lấy đi của đất 150kg N, 60kg P2O5, 110 kg K2O, 16kg MgO, 25kg CaO , 8kg S, 16kg SiO2, 0,5kg Zn… Và thực tế thì việc cấp dưỡng chất cho cây cũng còn gặp nhiều hạn chế và thông thường chỉ đạt từ 60 đến 80% nhu cầu của đất mà thôi. Nhất là các nguyên tố trung và vi lượng hầu như chưa được quan tâm đến.

Ngô là một giống cây trồng phàm ăn nên nếu trồng ngô liên tục trong vòng nhiều năm sẽ khiến đất trồng bị suy giảm chất lượng. Độ pH giảm, đất nghèo, thiếu dinh dưỡng trầm trọng.

Lưu ý quan trọng

Để góp phần cải thiện năng suất cũng như chất lượng của cây, công ty cổ phần nông nghiệp Tiến Nông đã đưa ra giải pháp cho kỹ thuật trồng ngô đạt năng suất cao là sử dụng giải pháp  “Đồng bộ Dinh dưỡng chuyên dùng Tiến Nông cho cây ngô”. Cụ thể phương pháp này cải tạo độ chua, độ phì của đất bằng chất điều hòa của công ty.

Bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng bộ sản phẩm chuyên dụng  “NPKSi Cây ngô chuyên lót” và “NPKSi Cây ngô chuyên thúc”. Bộ sản phẩm này sẽ giúp cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng mà cây còn thiếu hụt, bổ sung thêm các chất cây cần thiết khác nhằm thúc đẩy cây phát triển mạnh mẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con.

2.3 Cắt tỉa và vệ sinh cây

– Khi ruộng ngô bị mất một khoảng (chuột cắn, cây chết,..) thì bạn tiến hành dặm. Bầu đất mang đi dặm khi đã được 2 – 3 lá để đảm bảo mật độ cũng như sức khỏe của cây.

– Tỉa lá định kỳ khi cây được 3 – 5 lá và để ổn định mật độ khi cây được 6 -7 lá.

– Nếu đất trồng bị khô hạn thì có những thời kỳ bạn phải tưới nước để cây phát triển, ra lá cũng như đảm bảo cây khỏe mạnh để chống chịu sâu bệnh:

  • Khi cây trổ 7 – 9 lá: sau khi bón phân 2-3 ngày thì tiến hành tưới nước ngập ⅓ luống.
  • Trước khi trổ cờ 10- 15 ngày tiếp tục tiến hành tưới nước ngập ⅔ luống cây cho thấm đều rồi rút cạn.
  • Thời kỳ râu ngô héo cũng tiến hành tưới nước ngập ⅓ luống rồi rút cạn.

– Ngược lại, khi trời mưa to và đất bị ướt thì cần tháo hết nước để đất khô ráo, xới đất để cây không bị ngập nước, nhất là vào thời kỳ cây con còn yếu.

Sâu bệnh hại thân ngô

Sâu bệnh hại thân ngô

2.4 Sâu bệnh hại

Vào thời kỳ cây con còn yếu các loại sâu như sâu keo, sâu xám,… tấn công cắn phá. Lúc này bạn sử dụng Vibasu 10H, Diazan 10H rải ở gần gốc cây với liều lượng 1 kg/  sào. 

Đối với sâu đục thân – đối tượng nguy hiểm nhất đối với người trồng ngô thì cũng dùng dùng thuốc Vibasu 10H hoặc Diazan 10H bỏ vào loa kèn loại 8 đến 10 hạt. Việc làm này tiến hành sau khi gieo 20, 30 hoặc 40 ngày.

Với sâu đục bắp, sâu hại râu thì dùng thuốc Basudin50N, Regent 800WG, Tango 800WG … Lấy liều lượng phù hợp như trên bao bì và phun khi thấy sâu xuất hiện.

Để hạn chế tối đa tình trạng sâu bệnh thì cần bón phân đầy đủ và hợp lý. Đồng thời thường xuyên theo dõi sâu bệnh hại. Khi có dấu hiệu thì dùng thuốc BVTV để tiêu trừ. Đối với các bệnh khô vằn, đốm lá, thối cổ rễ thì dùng Anvil 5SC, Validacin3EC pha với nồng độ 1/500, Tilt super liều lượng 15cc/bình 16 lít và phun đẫm lên toàn bộ diện tích bị bệnh.

Thực hiện thu hoạch

Thực hiện thu hoạch

2.5 Thu hoạch

Khi lá quanh bắp đã khô, các hạt bên trong đã cứng, già tới thì tiến hành chặt ngọn, phơi bắp. Sau khi thu hoạch bắp về nhà cần nhanh chóng tách riêng hạt để phơi khô. Độ ẩm phù hợp để bảo quản là 12 – 15%.

Lưu ý: Đối với ngô lai thì hạt giống chỉ sử dụng được 1 lần. Sau khi thu hoạch không dùng hạt thương phẩm để làm giống cho vụ sau sẽ ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng.

Kết bài

Ngô là loại cây nông nghiệp dễ trồng, không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc. Chỉ cần thực hiện đúng theo kỹ thuật trồng ngô đã được các chuyên gia đưa ra sẽ giúp bà con hạn chế được sâu bệnh cũng như nâng cao năng suất cây trồng trên mảnh đất của mình.

Cập nhật 30/06/2020

4/5 - (2 bình chọn)
4/5 - (2 bình chọn)