Lan đùi gà!! – Kỹ thuật trồng, chăm sóc Lan đùi gà cực chuẩn

Nếu là 1 người ưa thích cây cảnh nói chung hay thích chơi lan nói riêng thì chắc hẳn đều biết loại lan đùi gà. Lan đùi gà được chia làm 2 loại là đùi gà dẹt và đùi gà tròn.

Chúng đều thuộc họ hoàng thảo đòi hỏi cách chăm sóc tỉ mỉ. Và đối với những người yêu lan thì chắc chắn đều mong muốn sở hữu một giỏ lan đùi gà thơm phức, xanh tốt treo trên ban công nhà đúng không?

Kỹ thuật trồng và chăm sóc Lan đùi gà

Kỹ thuật trồng và chăm sóc Lan đùi gà

Hiểu được điều đó, hôm nay chúng mình sẽ giới thiệu đến các bạn cách trồng lan đùi gà và chăm sóc chúng đúng chuẩn để bạn đạt được ước mơ của mình nhé!

1. Hướng dẫn phân biệt Lan đùi gà tròn và Lan đùi gà dẹt

Lan đùi gà được chia làm hai loại là lan đùi gà tròn và lan đùi gà dẹt. Tuy nhiên nhiều người mới chơi lan cũng hơi đau đầu khi phân biệt 2 loại lan này. Nhưng thực ra chúng rất dễ dàng nhận biết với nhau. Lan đùi gà tròn thì cao hơn lan đùi gà dẹt. Chiều cao của nó trung bình từ 30 đến 60cm. Cá biệt có cây lên đến 80cm. Thân lan tròn lẳn, thuôn và mập.

Trên thân còn có những tơ màu xanh vàng rất đẹp mắt. Lá lan có lớp bẹ màu trắng ngà. Nếu là thân non thì sẽ có chút tơ xanh còn thân già thì sẽ có màu vàng đậm và có các rãnh sâu hơn. Dù già hay non thì thân của chúng đều tròn đều và mập mạp.

Còn lan đùi gà dẹt thì thân của chúng dẹt hơn và có nhiều đoạn gấp khúc rõ nét. Nhìn qua thì thân của chúng có khá nhiều nét giống với lan chuỗi ngọc.

Thân của chúng ngắn hơn lan đùi gà tròn khi chỉ cao từ 25 đến 40cm thôi. Điểm giống duy nhất của 2 loại lan này là phần lá có bẹ và dài khoảng 10cm. Trên đầu lá có 2 thùy. Lá này ở trên các thân tơ.

2. Bí quyết trồng và chăm sóc Lan đùi gà vào chậu

Lan đùi gà là giống cây thích khô thoáng, gốc trồng thông thoáng và có thể chịu được khô hạn. Chúng có nhiều loại thân khác nhau để bạn lựa chọn. Nếu có ý định trồng giống cây này vào chậu thì nhất định giá thể phải thấp hơn miệng chật ít nhất là 5 đến 7cm. Cùng lắm là bằng miệng chậu để tránh tình trạng cây bị ngập úng nước. 

Nếu có giá thể vững chắc thì bạn nên trồng gốc cây cao hơn miệng chậu, làm sao cho khi có gió không bị lung lay ảnh hưởng đến rễ cây. Như vậy có thể thấy, trồng lan đùi gà phải đảm bảo gốc cây lúc nào cũng thông thoáng. 

Chậu lan đùi gà

Chậu lan đùi gà

2.1 Lựa chọn chậu trồng như thế nào là hợp lý?

Giống cây này ưa khô thoáng, không thích ngập nước vì thế chậu trồng cần đặc biệt chú ý có nhiều lỗ thoát nước. Do vậy 1 chiếc chậu bằng đất nung, lòng chậu nông, miệng chậu rộng và có nhiều lỗ thoáng ở hai bên hông và đáy chậu là sự lựa chọn tốt nhất.

Hoặc bạn có thể dùng chậu gỗ cũng được. Và có vẻ như loại chậu này rất thích hợp với loại lan đùi gà này đấy! Còn nếu không có điều kiện thì bạn dùng chậu nhựa cũng được. Nhưng dù là chậu nào thì cũng cần đảm bảo chậu có nhiều lỗ thoát nước cho gốc cây được thoáng.

2.2 Bạn đã biết chọn đúng giá thể Lan chưa?

Giá thể để lan đùi gà bám vào chắc chắn là than củi, vỏ thông hay những mảnh gỗ nhãn được cắt ngắn chừng 3-4cm là được. Ngoài ra bạn có thể dùng dớn vụn của cây dương xỉ. Chỉ dùng dớn của cây dương xỉ thôi chứ các loại dớn chile là không được đâu nhé! Thực ra giá thể nào cũng được miễn sao giá thể cho lan cần được xử lý kỹ là được.

Theo kinh nghiệm của nhiều người trồng lan thì bộ giá thể gồm than củi (đập từng miếng to chừng ngón chân cái) rồi lót ở đáy chậu. Việc này vừa giúp tránh trôi giá thể vừa giúp lọc cặn bẩn trong nước giúp nguồn nước tinh khiết hơn cho lan sử dụng.

Rồi đến lớp gỗ nhãn giúp giữ lại lượng nước vừa đủ khi tưới. Trên cùng thì trộn dớn và vỏ thông rồi rải đều.  Giá thể 3 lớp này vậy là xong vừa khéo đảm bảo được yêu cầu của bạn. Chú ý khi xếp giá thể không nên xếp bằng miệng chậu mà cách miệng chừng 2 đến 3cm là được.

2.3 Kỹ thuật trồng Lan đùi gà vào chậu

  • Ghép Lan vào giá thể

Sau khi xếp giá thể xong thì bạn tiến hành ghép lan vào giá thể. Trong cách trồng lan đùi gà thì có thể nói đây là một bước khá quan trọng đấy! Thực tế, bạn không nên ghép trực tiếp lan vào giá thể luôn mà hãy làm theo bí quyết sau đây nhé! Cắt 1 miếng dớn hình vuông vừa miệng chậu là được.

Ở 4 góc trên miệng chậu khoan thành 4 lỗ nhỏ vừa luồn dây thép là được. Sau đó bạn nhẹ nhàng ghép đứng lan vào miếng dớn vuông vừa cắt là được. Cuối cùng đặt vào miệng chậu và dùng dây thép luồn qua 4 lỗ trên miệng chậu cố định miếng dớn lại là xong. Vừa giúp gốc lan chắc chắn lại cũng khá đẹp mắt đấy chứ!

Nhiều bạn còn băn khoăn không biết ghép dớn kiểu gì. Vậy thì mình sẽ hướng dẫn các bạn cách đơn giản này. Dùng đục hoặc búa cùng 1 thanh sắt nhỏ đục 4 lỗ nhỏ ở 4 góc.

Đục nhiều lỗ hơn cũng không sao cả miễn sao đừng làm dớn bị nứt, vỡ là được. Những lỗ này sẽ giúp rễ lan theo đó mà bám chắc vào giá thể hơn cũng như tạo điều kiện thông thoáng để rễ cây hít thở tốt.

  • Cố định cây

Bạn có thể dùng dây thép mỏng  hoặc lõi dây điện loại nhỏ cuốn chặt gốc lan này vào là được rồi. Nếu thấy miếng dớn và miệng chậu còn hở thì đổ thêm vỏ thông hoặc dớn vụn vào cho kín.

Nhất định không được đổ thêm bất cứ loại nào khác lên gốc cây nữa nhé! Xong xuôi bạn cố định chặt lại miếng dớn 1 lần nữa cho chắc chắn là được rồi.

Vậy là xong xuôi phần quan trọng nhất, gắn gốc lan vào giá thể. Phần thân trên nếu có tản ra các hướng không theo trật tực bạn dùng dây cột chặt lại quanh móc treo là được rồi, không ảnh hưởng tới việc phát triển của cây đâu. 

Và nhiều bạn thắc mắc không có dớn thì làm sao làm được cách chúng mình vừa chỉ. Thực ra dớn hay loại gỗ mỏng nào cũng được. Chỉ cần bạn khoan lỗ cho rễ lan chui xuống bám vào giá thể là được.

Xong xuôi đâu đấy bạn chỉ việc treo chúng lên và tưới nước vừa phải cho cây và đợi chúng từ từ trổ hoa xinh đẹp thôi. Lưu ý, 1 tuần bạn chỉ nên cho cây uống nước 1 -2 lần thôi nhé vì chúng là loại ưa khô thoáng mà. Tưới nhiều quá sẽ làm chúng hỏng rễ và có thể gây chết cây.

3. Hướng dẫn cách trồng lan đùi gà vào gỗ

Đặc tính của lan đùi gà là sống bám vào gỗ, thích khô thoáng, không chịu được úng ngập và có nhiều loại thân khác nhau cho bạn lựa chọn. Do đó, ghép lan đùi gà vào gỗ là 1 trong những cách tuyệt vời để lan phát triển tốt. Không có gỗ bạn dùng dớn trụ hoặc thân gỗ bình thường cũng được nhé!

3.1 Xử lý Lan khi mua về

Khi mua lan về bạn không nên tiến hành ghép vào gỗ ngay mà từ từ loại bỏ những rễ chết, rễ hỏng, lá vàng đi. Mục đích là tạo điều kiện tốt nhất cho cây phát triển sau này. Sau đó bạn để chỗ râm 1 lúc cho các vết cắt se miệng lại thì dùng keo liền sẹo bôi 1 lớp mỏng lên chỗ vết cắt.

Mục đích là để ngăn không cho vi khuẩn tấn công vào hết thương hở gây hại cho cây. Tiếp tục dùng dây buộc nhẹ chúng lại và treo vào chỗ nào thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp hay mưa để vết thương khô lại cũng như cho chúng quen với không khí vườn nhà.

Sau 1 ngày bạn pha 1 chậu nước physan 20SL để ngâm rễ cây trong đó chừng 20p. Mục đích là để rễ không bị thối nhũn. Tiếp tục vớt ra và ngâm cả cây vào dung dịch kích rễ mua tại các cửa hàng nông nghiệp hoặc vitamin B1 cũng được. Ngâm trong 2-3 tiếng thì nhấc ra để ráo nước rồi tiến hành ghép vào gỗ đã chuẩn bị sẵn.

Nếu cây lan mua về không bị dập nát hay có dấu hiệu thối, nhũn thì việc ngâm với Physan 20SL là không cần thiết. Bạn chỉ cần ngâm chúng vào thuốc kích mọc rễ là được.

Ngoài vitamin B1 pha loãng hay atonix thì dung dịch kích rễ Hùng Nguyễn cũng được nhiều nhà vườn tin dùng vì có hiệu quả tốt.

3.2 Tiến hành ghép Lan vào gỗ

Giá thể gỗ để cho lan bám vào cần được xử lý trước khi bạn mua lan về.

Do đặc tính ưa khô thoáng nên bạn không cần thêm rêu hay xơ dừa vào. Làm vậy chỉ khiến lan không thích mà thôi. Trừ trường hợp bạn  quá lười tưới nước cho cây thì 1 lớp rêu thật mỏng mới được ưu tiên dùng nhé! Nhất định phải thật mỏng nhé!

Nói chung nếu bạn trồng theo kiểu nhà vườn rộng lớn thì hãy áp dụng còn nếu trồng ở nhà và treo ngoài ban công, không biết nắng mưa như nào thì tốt nhất không lót rêu nhé! Chúng có thể làm hại cây lan của bạn lúc nào không biết đâu.

Loại lan đùi gà khác với loại thân thòng là chúng sẽ mọc hướng lên trên như các loài hoa khác chứ không rủ xuống dưới. Do vậy, khi ghép gỗ bạn cố gắng bắt chúng hướng lên trên chứ đừng để lòng thòng như giống phi điệp hay 1 số loại lan khác nhé! Vừa mất thẩm mỹ lại cản trở quá trình phát triển của cây.

Thực hiện cố định Lan vào gỗ

Khi dùng dây buộc cố định lan thì bạn dùng loại dây nhựa hoặc lõi dây điện cỡ nhỏ từ từ luồn qua gốc cây và nhẹ nhàng xoắn lại. Chú ý cần tránh các mắt ngủ của chúng ra nhé!

Tùy vào độ dài dây mà bạn có thể nối thêm dây vào và xoắn gốc cây vào giá thể gỗ cho chắc. Nếu gốc cây có nhiều thân quá thì bạn nên chia nhỏ ra và xoắn chúng lại chứ không nên ham hố dùng 1 dây ôm hết cả các thân nhé! Còn phần thân trên dùng dây nứa buộc nhẹ chúng lại vừa tránh lòe xòe vừa tránh gió lại hại cây. Vậy là xong công cuộc cố định lan và giá thể gỗ rồi đấy!

Trong trường hợp gỗ bạn gắn lan không hình tròn thì thay vì dùng dây nhựa hoặc dây đồng thì nên thay bằng dây cao su vì chúng có độ đàn hồi tốt hơn rất nhiều. Ngoài ra bạn có thể khoan lỗ rồi luồn dây qua đó để buộc gốc lan lại cũng được.

Miễn sao cách nào bạn thấy tiện lợi và không ảnh hưởng đến việc phát triển của cây là được. Lưu ý khác là khi dùng dây kim loại thì không được để chúng chạm vào gốc cây nhé! Cũng cần chú ý khoan lỗ ở những phần gỗ bị lõm để tránh ứ đọng nước gây thối rễ cây rồi mới tiến hành cố định.

3.3 Lưu ý khi ghép Lan vào gỗ

Không chỉ có lan đùi gà mà còn nhiều loại lan khác đều có thể áp dụng được cách làm này. Bởi đây là cách làm rất đơn giản và tiện lợi. Nhiều bạn cũng băn khoăn không biết trồng lan hoàng phi hạc, lan hoàng thảo xoắn như nào hay chúng có thể ghép vào gỗ được không….

Thực chất những loại lan này đều cùng 1 họ với lan đùi gà nên cách trồng hay ghép vào gỗ đều làm theo lan đùi gà được. Chỉ duy nhất khác nhau là lan đùi gà ưa khô hơn 2 loại còn lại, do đó lượng nước bạn cũng cần thay đổi cho phù hợp với từng loại.

Khi ghép xong bạn cũng không cần vội vàng tưới nước ngay vì chúng chưa cần vội. Bạn cứ treo chúng ở nơi thoáng mát, tránh nắng gắt trực tiếp hay mưa to trong vòng 2 tuần đầu. Chú ý treo cao 1 chút cho thoáng gió nhé!

Sau đó 2 ngày thì mới tưới đẫm rồi duy trì 1 ngày tưới 1 lần tới khi cây ra rễ, bám tốt vào giá thể và có thể tự tìm nguồn nước được thì giảm xuống cách 1 ngày tưới 1 lần là được. Lúc này bạn có thể treo chúng ở ngoài rìa ban công để tự hấp thụ gió sương trưởng thành rồi.

Trong trường hợp mưa cả ngày liên tục thì bạn mang chúng vào chỗ có mái che để chúng uống nhiều nước quá mà làm thối gốc cây ra. Vì dù sao chúng cũng là loại không ưa nước chút nào. Chỉ cần chăm tưới nước chút thôi là chúng đã dần dần hỏng cả chứ chưa kể ngâm nước cả ngày như thế đâu.

4. Lời kết

Trồng lan đùi gà không khó đúng không các bạn? Cái quan trọng nhất trong cách trồng lan đùi gà chính là làm sao đảm bảo được gốc lan luôn thông thoáng là được.

Chỉ cần thế thôi là bạn sẽ có được 1 chậu lan sai hoa tỏa hương thơm ngào ngạt trên ban công nhà mình rồi đấy!

Cập nhật 30/06/2020

4/5 - (1 bình chọn)
4/5 - (1 bình chọn)