Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Bơ – năng suất vượt trội

Kỹ thuật trồng bơ không hề phức tạp, nhưng góp phần vào việc quyết định năng suất và sản lượng bơ sau này. Chỉ cần nắm được những kỹ thuật cơ bản chăm sóc, cùng với tính chịu khó cần cù thì chắc chắn thành công trong việc trồng bơ.

Kỹ thuật trồng bơ

Kỹ thuật trồng bơ

Bài viết này, chúng tôi xin gửi tới bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc bơ cho hiệu quả kinh tế cao.

1. Trồng bơ cần chuẩn bị những gì?

1.1 Nên trồng bơ vào tháng mấy?

Thời điểm mùa mưa tháng 6 hoặc tháng 7 dương lịch thích hợp nhất cho việc trồng bơ. Đây là thời điểm nguồn nước mưa dồi dào, sẽ tiết kiệm công chăm sóc hơn. Cũng như chủ động về nguồn nước tưới cho cây nếu cần.

Nếu chủ động được nguồn nước tưới, thì bà con có thể trồng bất cứ thời điểm nào trong năm. Ngoài ra, có thể đào ao hoặc tạo bồn nước dự trữ sẵn. Cùng với đó là chuẩn bị rơm rạ, hay cỏ cây thực vật để che gốc tránh tình trạng trời nắng quá hơi nước bốc mau.

1.2 Chọn giống bơ

Một trong những cách nhân giống truyền thống là lấy hạt từ cây mẹ để ươm trồng cây con. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ tạo ra sự phân ly giống từ mẹ sang con. Dẫn đến chất lượng, sản lượng quả cũng thay đổi khá nhiều.

Ghép nêm chồi là phương pháp nhân giống phổ biến hiện nay, ưu điểm là giữ hoàn toàn ưu điểm từ cây mẹ.

Các giống bơ REED, bơ HASS và BOOTH đang được ưa chuộng trồng hiện nay. Đây đều là những giống bơ có nguồn gốc từ nước ngoài. Ưu điểm của các giống này là cơm dẻo, phần vỏ dày và bảo quản được lâu. Thị trường trong nước hay nước ngoài đều ưa chuộng sản phẩm này.

Ngoài các giống bơ kể trên, thì trong nước cũng có một số giống bơ được bà con lựa chọn. Tùy từng yếu tố thổ nhưỡng của mỗi địa phương mà nguồn giống cũng khác nhau. Nên tham khảo kỹ tại các cửa hàng cây con giống trước khi trồng.

Đất trồng ảnh hưởng nhiều đến năng suất cây bơ

Đất trồng ảnh hưởng nhiều đến năng suất cây bơ

1.3 Chuẩn bị đất trồng

Những vùng đất đỏ bazan và có hệ thống thoát nước tốt rất thích hợp cho việc trồng bơ. Đặc biệt điều kiện đất phải có khả năng thoát nước, chống ngập úng. Khu vực Đông Nam Bộ, khu vực Tây Nguyên rất thích hợp để trồng loại cây này.

Độ pH của đất giao động từ 5 đến 6. Với những vùng đất trước đây đã trồng cafe thì bà con nên bón vôi trước khi chuyển sang trồng cây bơ. Nếu như đất trồng quá dốc, cần cải tạo để tạo thành các đường đồng mức làm giảm khả năng gây xói mòn khi có mưa lớn.

Xem thêm:

2. Kỹ thuật trồng bơ đúng cách

– Khoảng cách trồng bơ có thể lựa chọn 9 x 6 m, 8 x 7 m, 9 x 9 m là phù hợp. Ngoài ra, cần phải trồng các loại cây như keo tai tượng để chắn gió, làm hạn chế hiện tượng gẫy càng khi mưa lớn xảy ra.

– Đào sẵn những hố trồng có kích thước 60x60x60 cm. Bón lót ở dưới từng hố 0.5kg Lân, 0.4kg vôi bột, 15-20 kg phân chuồng hoai mục. Có thể rải kèm theo men vi sinh xuống hố trước khi trồng. Để phơi hố 7-10 ngày trước khi trồng bơ.

– Sau khi chuẩn bị xong, bà con tiến hành cắt bỏ túi bầu cây. Làm thao tác nhẹ nhàng, tránh đứt rễ hay vỡ bồng cây. Lấp đất xung quanh gốc, cao hơn một chút so với đất nền vườn. Bà con có thể trồng xen kẽ bơ có hoa nhóm A và hoa nhóm B, để khả năng thụ phấn đạt năng suất cao hơn.

– Thực hiện tưới nước giữ ẩm gốc ngay sau khi trồng, cùng với đó là che chắn nắng nếu trời nắng quá to. Cắm một cọc ngay sát thân để cố định cây trước gió lớn.

Xem thêm:

3. Hướng dẫn chăm sóc bơ – nhanh phát triển – ít bệnh

3.1 Thực hiện tưới nước

Tưới nước là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc chăm sóc bơ. Mỗi giai đoạn lại có cách tưới khác nhau.

  • Năm thứ nhất

Sau khi trồng xong cần tiến hành tưới nước ngay. Nếu như trồng vào mùa khô, thì sau 3-5 ngày tưới lần tiếp. Kết hợp với việc ủ rơm rạ vào gốc để giữ ẩm. Tiếp đến cứ 12-15 ngày tưới đợt tiếp theo để cây phát triển tốt.

  • Năm thứ hai

Vào năm thứ 2, bộ rễ cây đã ăn sâu nhưng vẫn cần bổ sung nước. Vào mùa mưa thì không cần tưới, nhưng mùa khô cần tưới 4-5 lần. Mỗi đợt cách nhau 25-25 ngày.

  • Năm thứ ba trở đi

Bộ rễ đã phát triển hoàn chỉnh, nên nếu trồng chung với caphe thì chỉ cần tưới cà phê là đủ. Bơ sẽ sử dụng chung nguồn nước với cây cà phê. Vào mua khô có thể bổ sung thêm nước, cứ tưới cách nhau 25-30 ngày. Dừng tưới khi cây phát triển hoa, và tưới lại khi cây đã đậu quả.

Chế độ nước đầy đủ cây sẽ cho nhiều quả hơn

Chế độ nước đầy đủ cây sẽ cho nhiều quả hơn

3.2 Bón phân cho bơ

Phân bón là không thể thiếu trong quá trình phát triển của bơ, giúp cho bơ đạt năng suất sản lượng cao. Liều lượng phân bón cho mỗi thời kỳ cho bơ, bà con có thể tham khảo hình ảnh dưới đây.

Phân bón cho cây bơ qua mỗi giai đoạn

Phân bón cho cây bơ qua mỗi giai đoạn

Một lưu ý quan trọng bà con cần quan tâm đó là khi bón phân NPK thì không bón cùng phân đơn. Và khi bón phân đơn thì ko nên bón cùng NPK. Ngoài ra, nếu hộ dân có điều kiện thì có thể tăng liều lượng phân lên 1.5 lần cho mỗi gốc.

Vào mùa mưa bà con nên bón thành 2-3 đợt. Đào rãnh sâu khoảng 5-10cm quanh gốc cây ( cách gốc cây một khoảng 20-30cm), rải phân và lấp lại.

3.3 Phòng ngừa sâu bệnh hại

Mỗi giai đoạn phát triển lại có một loại sâu bệnh khác nhau của cây bơ. Giai đoạn cây phát triển, thường bắt gặp các loại sâu đục cành hay sâu ăn lá. Bà con sử dụng Decis, Sherpa, Monceren để phòng trừ sâu bệnh trong giai đoạn này.

Sâu đục thân phát triển mạnh trong giai đoạn kinh doanh. Thời gian này, bà con sử dụng thuốc Bordeaux 1:4:15 (01 CuSO4 + 04 CaO + 15 H2O) để phòng trừ. Cách sử dụng thuốc khá đơn giản, bà con tiến hành quét dọc từ dưới thân lên trên khoảng 1 mét so với mặt đất để ngăn ngừa sâu.

Cần tỉa bớt cành để cây tập trung vào phát triển quả

Cần tỉa bớt cành để cây tập trung vào phát triển quả

3.4 Cắt tỉa cành cho bơ

Đặc điểm các cây bơ trồng từ hạt sẽ cho thân thẳng, ít cành tán phía dưới. Còn bơ ghép thì sẽ sớm cho cành tán ở tầng thấp. Do trồng bơ từ cành ghép cho hiệu quả năng suất cao hơn, nên phương pháp gieo từ hạt không còn phổ biến. Bên cạnh đó, việc cắt tỉa tán cho bơ là rất quan trọng trong giai đoạn bơ sinh trưởng.

Nếu như bơ trồng xen cà phê, thì từ khi cây còn nhỏ bà con chỉ nên để 1 chồi phát triển. Mục đích chính là dồn chất dinh dưỡng cho chồi này phát triển. Khi chồi này phát triển thẳng đứng lên cao hơn cà phê 1-2 mét thì bà con tiến hành hãm ngọn, để cây ra tán và nhiều cành ngang hơn.

Còn với những diện tích trồng thuần bơ, bà con nên tiến hành hãm ngọn khi cây bơ cao khoảng 60 – 70 cm. Khi cây ra nhiều tán, cành chồng chéo thì tiến hành cắt tỉa tạo tán tỏa đồng đều xung quanh.

Ngoài ra, khi cây bước vào giai đoạn và sau mỗi đợt thu hoạch cần tiến hành cắt tỉa cành yếu, cành sâu bệnh. Để cây tập trung dinh dưỡng cho những cành khỏe, đồng thời chất lượng quả cũng tốt hơn.

Xem thêm : kỹ thuật trồng và chăm sóc xoài

4. Thu hái và bảo quản bơ

Tháng 6 đến tháng 8 là thời điểm thu hoạch chính của cây bơ. Một số giống bơ trái vụ như bơ reed,  booth 7, bơ hass, giống cây bơ 034 có thời gian thu hoạch là tháng 3-5 hoặc tháng 9-11.

Thu hoạch bơ đúng thời điểm

Thu hoạch bơ đúng thời điểm

Khi trái bơ chuyển dần từ màu xanh sang tím, đồng nghĩa là lúc trái đã già. Đây chính là thời điểm thu hoạch lý tưởng. Cần lưu ý không được làm tổn thương vỏ trong quá trình thu hoạch, thì bơ sẽ để được lâu hơn. Khu thu hoạch, cần để thêm 1 – 2 cm phần cuống để trái bơ tươi lâu, ngoài ra bà con cần phân loại quả bơ theo trọng lượng để dễ tiêu thụ ngoài thị trường hơn.

Kết bài

Như vậy, chúng tôi đã cùng bà con tìm hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bơ theo đúng tiêu chuẩn. Hi vọng sau bài viết này bà con có thể tự tin hơn để quyết định lựa chọn cây bơ. Một loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc và cho hiệu quả kinh tế khá tốt, hướng đi sáng cho bà con lựa chọn.

Chúc bà con thành công!

Cập nhật 26/06/2020

4.5/5 - (2 bình chọn)
4.5/5 - (2 bình chọn)