3 cách muối dưa kiệu giòn ngon – chống ngán hiệu quả

Chẳng phải sơn hào hải vị nhưng dưa kiệu là món ngon không thể thiếu trong mâm cơm người Việt từ bao đời nay.

Đặc biệt cứ mỗi độ Tết đến xuân về, dù cuộc sống bận rộn có khiến người ta giản tiện đi nhiều thứ, bát kiệu trắng thơm, giòn ngọt vẫn hiện hữu như một gia vị làm đậm đà thêm màu sắc quê hương xứ sở.

Cách làm dưa kiệu

Cách làm dưa kiệu

Kiệu ăn nhìn đơn giản nhưng để có được màu sắc và hương vị “chuẩn” nhất thì cũng cần lắm sự khéo léo của người làm kiệu. Học cách muối dưa kiệu ngon, trắng giòn và không bị hăng để cứu cánh cho những bữa cơm ngán thịt mỡ, bạn còn chần chừ gì nữa mà không trổ tài ngay nào!

1. Hướng dẫn làm dưa kiệu chua ngọt

1.1 Nguyên liệu chuẩn bị

Có nhiều cách làm kiệu tùy theo từng địa phương, nguyên liệu chính được sử dụng gồm có:

  • Củ kiệu
  • Muối
  • Đường
  • Giấm gạo
  • Gừng, ớt (Nếu bạn không ăn được cay thì có thể giảm liều lượng hoặc không cho vào)
  • Hũ/ bình ngâm kiệu (Nên sử dụng bình thủy tinh để bảo quản lâu hơn và đảm bảo an toàn sức khỏe)
Nguyên liệu chuẩn bị làm dưa kiệu

Nguyên liệu chuẩn bị làm dưa kiệu

1.2 Chi tiết các bước làm dưa kiệu ngon

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

– Chọn kiệu nên chọn những củ tròn, cứng cáp và có mùi thơm nồng hơi cay đặc trưng. Củ kiệu sau khi mua về phải rửa sạch, cắt bỏ rễ (không nên cắt sát quá gốc sẽ là nước thấm vào hỏng phần ruột), loại bỏ bẹ lá úa vàng,  chỉ lấy phần củ trắng.

– Sau khi nhặt sạch kiệu chúng ta rửa lại thật sạch lần nữa rồi ngâm với nước muối loãng khoảng 2 tiếng, đây là bí quyết để làm sạch kiệu, tẩy mùi hăng và giúp kiệu giòn hơn.

– Một lưu ý nhỏ là bạn không cần ngâm với nước muối loãng quá lâu để tránh muối ngấm vào kiệu làm mặn. Bạn có thể thay nước muối loãng bằng nước gio bếp, nước phèn chua hoặc nước gạo với thời gian ngâm lâu hơn.

– Sau khi đã ngâm kiệu, bạn vớt ra rổ sạch và phơi nắng cho thật ráo. Thời gian phơi từ 1-3 ngày tùy vào thời tiết nắng ấm hay ẩm nhiều. Lúc này, kiệu sẽ ráo nước, khi muối nước sẽ trong và thơm hơn.

Hoàn thành món dưa kiệu chua ngọt

Hoàn thành món dưa kiệu chua ngọt

Bước 2: Tiến hành muối dưa kiệu chua ngọt

– Bắt đầu muối kiệu bằng cách nấu nước muối kiệu. Bạn chuẩn bị một nồi nhỏ, cho 150ml nước lọc và 500ml nước mắm ngon vào chung rồi đun đến khi hỗn hợp sôi rồi bạn cho tiếp 2 thìa cà phê đường vào khuấy đều. Khi hỗn hợp tan thì tắt bếp, chờ cho nước muối kiệu nguội.

– Trong khi chờ nồi nước muối kiệu nguội, phần kiệu đã được phơi khô, bạn mang rửa sạch với nước lạnh. Sau đó, đem đảo qua nước sôi rồi vắt cho ráo nước.

– Gừng thái chỉ, ớt bỏ hạt hoặc để nguyên trái (Nếu dùng)

– Cho toàn bộ nguyên liệu ở trên gồm kiệu đã ráo nước + gừng + ớt vào một thủy tinh tương thích với lượng đồ muối. Sau đó, đổ ngập phần hỗn hợp nước mắm đường vào và ngâm trong khoảng 2 ngày là đã có thể đem thưởng thức. Món kiệu muối này ăn chung với cơm nóng và thịt luộc rất ngon.

Xem thêm:

2. Công thức làm dưa kiệu muối đường

Củ kiệu muối đường là món ngon cực hợp với những tín đồ hảo ngọt. Cách làm cũng rất đơn giản.

2.1 Nguyên liệu chuẩn bị

  • 1kg củ kiệu tươi
  • 400g đường trắng
  • Dấm ăn
  • Muối, phèn chua
  • Hũ đựng có nắp đậy
Dưa kiệu muối đường

Dưa kiệu muối đường

2.2 Chi tiết các bước làm dưa kiệu muối đường

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

– Sau khi chọn mua củ kiệu ngon nhất, bạn mang lột lớp vỏ vàng úa bên ngoài rồi cắt rễ rửa sạch, lưu ý không được cắt quá sát phần rễ để tránh nước thấm vào làm hỏng kiệu.

– Sau đó, chúng ta tiến hành trộn kiệu với 1/2 bát muối sạch, đổ nước ngập bề mặt kiệu và ngâm như vậy trong ít nhất là 8 tiếng rồi vớt ra rửa sạch lại nhiều lần với nước.

– Tiếp tục ngâm phần kiệu với phèn chua để loại sạch mùi hăng và để kiệu giữ độ giòn lâu rồi đem ra phơi ngoài nắng cỡ 2 – 3 tiếng với thời tiết nắng tốt hoặc khi nào kiệu héo, ráo nước là được.

– Sau khi phơi nắng từ 2-3 tiếng, kiệu sẽ được rửa sạch lần nữa rồi phơi tiếp ngoài nắng cho ráo hẳn. Nên sử dụng mẹt lớn hoặc trải trên bề mặt rộng để kiệu nhanh khô hơn.

Một bí mật nho nhỏ, bạn có thể luộc sơ kiệu rồi ngâm trong nước đá lạnh thay vì phơi nắng. Cách này giúp bạn tiết kiệm thời gian và dùng trong trường hợp những ngày thời tiết âm u không có nắng tốt.

Dưa kiệu muối đường

Món dưa kiệu muối đường ngon

Bước 2: Tiến hành muối kiệu

– Hũ nhựa hay hũ thủy tinh trước khi đựng kiệu muối phải được rửa sạch và lau khô. Nên sử dụng hũ thủy tinh hoặc hũ sành, sứ vì nhựa dùng khi tiếp xúc với gia vị có tính bào mòn như muối hay giấm sinh ra chất hại cho sức khỏe người dùng. Tiến hành xếp kiệu vào hũ theo nguyên tắc một lớp kiệu một lớp đường cho tới khi lớp đường bao kín mặt trên cùng của hũ là hoàn thành.

– Đậy kín nắp hũ lại, đặt nơi thoáng mát trong khoảng 10-15 ngày đến khi đường tan hết là có thể dùng được.

Xem thêm :

3. Cách muối củ kiệu cùng nước mắm

Món kiệu ngâm nước mắm cũng là bí quyết để mâm cơm ngày tết thêm phần đậm vị. So với cách muối kiệu chua ngọt hay muối kiệu ngâm đường.

Muối kiệu cùng nước mắm cũng không có nhiều điểm khác trong cách chế biến, nguyên liệu chính được thay thế chính là nước mắm. Do vậy, bí quyết để có món kiệu ngâm nước mắm chuẩn vị là nước mắm phải ngon.

3.1 Nguyên liệu chuẩn bị

  • Củ kiệu: 500gr
  • Nước mắm ngon: 250ml
  • Đường cát: 300gr
  • Muối
  • Giấm (Nên chọn dấm bỗng ngon thay vì giấm công nghiệp)
  • Đu đủ, cà rốt
  • Gừng, ớt (Nếu thích)
Dưa kiệu muối mắm

Dưa kiệu muối mắm

3.2 Chi tiết các bước làm dưa kiệu muối nước mắm

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

– Làm sạch kiệu bằng hỗn hợp gio bếp + nước pha loãng. Nếu bạn không có tro bếp, bạn có thể thay bằng muối nhưng lưu ý rút ngắn thời gian lại để kiệu không bị thấm mặn muối nhé.

– Kiệu sau khi ngâm vớt ra rửa nhiều lần với nước sạch rồi tiến hành cắt bỏ rễ, lột bỏ vỏ úa vàng rồi cho ngay vào chậu nước để kiệu không bị thâm.

– Kiệu cần được phơi nắng từ 1-2 nắng để ráo nước, khi ăn sẽ ngấm gia vị và để được lâu hơn.

– Đu đủ và cà rốt ngâm cùng kiệu phải được rửa sạch, thái mỏng và phơi héo cùng kiệu trước khi ngâm.

– Gừng gọt vỏ đập dập, ớt để nguyên trái hay bỏ hạt thái lát đều được.

Món ngon chống ngán hiệu quả

Món ngon chống ngán hiệu quả

Bước 2: Tiến hành muối củ kiệu

– Cũng giống như các cách chế biến kiệu khác, chúng ta bắt đầu bằng việc nấu nước ngâm kiệu. Bạn đặt một chiếc nồi nhỏ lên bếp, cho 250ml nước mắm và 300gr đường vào nấu.

– Liên tục khuấy đều tay cho đường tan ra hoà quyện vào nước mắm. Sau khi hỗn hợp tan và sôi lên thì bắc xuống để nguội.

– Để hũ kiệu được đẹp bạn xếp kiệu theo từng lớp quây tròn vào hũ đựng, xen kẽ các lớp kiệu là đu đủ, cà rốt, gừng và ớt sao cho thật đẹp mắt. Sau đó, cho hỗn hợp nước mắm vào sao cho kín mặt kiệu xếp và gài lại bằng thanh tre hay bát con là được.

Món ăn hấp dẫn

Món ăn hấp dẫn

Kiệu ngâm nước mắm sau 2 đêm là có thể dùng được. Nên dùng đũa riêng để gắp kiệu, tránh đảo khuấy nhiều kiệu sẽ nhanh hỏng.

Kết bài

Món dưa kiệu rất dễ làm và bảo quản được lâu nếu được muối đúng cách. Bài viết trên đây mong rằng sẽ giúp được bạn muối được món kiệu tươi ngon, giòn ngọt và không bị hăng để bữa cơm gia đình thêm đậm đà, tròn vị.

Chúc bạn thành công!

Cập nhật 26/06/2020

4.5/5 - (2 bình chọn)
4.5/5 - (2 bình chọn)