Cách gói bánh Chưng siêu đơn giản – tròn vuông – xanh lá

Nếu được hỏi ngày nào được mong chờ nhất trong năm thì 80% câu trả lời là ngày Tết cổ truyền. Đây là thời khắc giao chuyển giữa năm cũ và năm mới, là dịp để cả gia đình sum họp, con cháu nô nức sắm sửa về thăm gia đình, cha mẹ, ông bà.

Để cùng kể cho nhau nghe những gì đã trải qua trong năm, cùng mong chờ một năm mới bình an,… Và đặc biệt là cùng quây quần bên gạo nếp, lá dong, thịt lợn,… để nấu ra những chiếc bánh chưng – linh hồn của ngày tết cổ truyền Việt Nam.

Cách gói bánh Chưng

Cách gói bánh Chưng

Người ta nói ngày Tết mà trong nhà không có cái bánh chưng, bánh tét cúng ông bà ngày Tết ấy không trọn vẹn. Chính bởi vậy rất nhiều gia đình mong muốn tự tay mua nguyên liệu, gói và nấu ra chiếc bánh vuông vức, thơm ngon để cả gia đình cùng đón Tết.

Vậy nên dưới đây #wikiohana sẽ chỉ cho các bạn cách làm những chiếc bánh chưng đầy đủ và ngon miệng nhé!

1. Bí quyết gói bánh Chưng chuẩn tinh hoa người Việt

1.1 Nguyên liệu cần có

Vì số lượng chuẩn bị tùy thuộc vào số lượng người ăn và lượng bánh gia đình bạn muốn làm nên #wikiohana sẽ chỉ liệt kê các nguyên liệu cần thiết để làm ra bánh chưng nhé.

  • Gạo nếp: có nhiều loại nhưng ngon nhất là gạo nếp cái hoa vàng có hạt to, tròn mẩy.
  • Đỗ xanh: mua loại đã đãi sạch vỏ, ruột bở.
  • Thịt ba chỉ hoặc thịt vai sấn: chọn thịt nạc có xen lẫn mỡ 
  • Gia vị: muối, tiêu xay
  • Lá dong: gần tết sẽ bán rất nhiều ở chợ. Bạn chọn lá không quá già hay còn non, dài rộng đều nhau, không bị rách hỏng và có màu xanh mướt đẹp mắt.
  • Lạt buộc: Lạt này được người ta chẻ sẵn từ ống giang rồi bán theo bó. Tùy vào số lượng lá mà mua lạt.

1.2 Chi tiết các bước gói bánh Chưng

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

– Đầu tiên rửa đỗ, nhặt bỏ hạt hỏng, hạt xấu rồi ngâm trong nước 2 tiếng cho hạt nở. Sau đó bạn đổ đỗ ra rổ, trộn thêm 1 thìa muối rồi đem đi hấp chín. Khi đỗ chín cho vào bát và dầm nhuyễn, nắm thành các nắm cỡ nắm tay trẻ con. 

Sơ chế gạo và đỗ

Sơ chế gạo và đỗ

– Cách 2 thường được nhiều nhà dùng là đỗ mua về ngâm nở rồi để ráo. Trộn với ít muối rồi để đấy để tí nữa gói luôn.

– Thịt ba chỉ rửa qua nước muối và nước sạch sau đó thái miếng. Ướp với chút muối, mì chính, hạt nêm, tiêu trong 30 phút. 

– Gạo nếp bạn vo sạch rồi ngâm trong 2 tiếng. Sau đó vớt ra để ráo và trộn thêm ít muối cho gạo có vị.

– Ngoài ra nếu muốn tạo màu xanh cho bánh chưng, bạn xay nhuyễn lá dứa lọc lấy nước để ngâm gạo nếp. Cách này giúp bánh nấu ra xanh và thơm hơn.

– Lá dong rửa sạch bụi bẩn sau đó đem phơi ở chỗ sạch sẽ, thoáng mát cho ráo nước. Sau đó bạn dùng kéo cắt riêng phần sống lá, nên cắt từ giữa vào đến cuống để không làm rách lá gói.

Bước 2: Thực hiện gói bánh

  • Cách 1: Gói bánh chưng bằng tay (không sử dụng khuôn)

– Một cái bánh cần sử dụng 4 cái lá. Đầu tiên xếp 2 cái lá vuông góc với nhau, mặt trái hướng lên trên sau đó đặt tiếp 2 cái lá nữa cũng vuông góc với nhau nhưng mặt phải hướng lên trên.

– Sau đó đổ 1 bát ăn cơm gạo nếp vào giữa lá.

– Dùng muôi đổ một muỗng đỗ xanh lên trên gạo hoặc một nắm đỗ chín, đặt 2 miếng thịt ba chỉ lên trên. Đổ tiếp đỗ xanh và gạo nếp sao cho đỗ bao kín thịt và gạo nếp bao kín đỗ xanh.

– Bây giờ bạn dùng tay gấp lá dong bên phải và trái vào, thật chắc tay để bánh lên hình đẹp. Cắt bớt phần lá bị thừa ra.

– Cầm chắc phần lá đầu trên rồi gập vào trong sao cho các ngón tay vẫn giữ phần lá đã gấp cho nó không bị bung ra. Làm tương tự với các đầu còn lại.

– Khi bánh đã có hình vuông thì bạn dùng lại buộc chắc bánh. Phần lạt thừa không cắt đi mà quấn vào các lớp lạt. Nếu chưa quen trước khi gói bạn để 4 chiếc lạt trước rồi mới đặt lá lên để gói.

– Khi làm xong bạn dùng tay ấn nhẹ hoặc để 1 cái bánh khác chồng lên nhau cho bánh chắc hơn.

  • Cách 2: Gói bánh chưng sử dụng khuôn

– Cũng xếp 4 lá dong như khi làm tay rồi úp ngược cái khuôn làm bánh ở chính giữa lá. Gói các lớp bánh lại đến khi có được một hình vuông đẹp mắt thì bạn cho vào trong khuôn ngoài. Thả tay và rút khuôn trong ra.

– Sau đó cho nguyên liệu theo thứ tự gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, đỗ xanh, gạo nếp vào trong khuôn. Gói lá lại như cách gói ở phần làm bằng tay.

– Nhớ phải gói thật chắc tay để cho bánh không bị bục và có hình vuông ngay ngắn.

– Dùng tay giữ các nếp gấp và nhẹ nhàng lấy bánh ra khỏi khuôn rồi dùng lạt buộc bánh lại gọn gàng.

Bước 3: Luộc bánh

– Chuẩn bị một cái nồi gang to, xếp bánh quanh nồi theo chiều thẳng đứng. Sau đó bạn đổ nước vào sao cho ngập quá mặt bánh. Xếp bánh khít lại để bánh không bị đổ trong quá trình nấu. Nấu bánh liên tục trong 8 giờ đồng hồ. Trong lúc nấu bạn phải canh không để nước cạn hay lửa tắt, như vậy bánh mới chín đều được.

Xếp bánh Chưng vào xoong luộc

Xếp bánh Chưng vào xoong luộc

– Sau khi bánh chín, bạn vớt bánh ra và rửa lại qua nước lạnh một lần rồi để cho bánh ráo bằng cách xếp bánh chồng lên nhau, dùng tấm ván để ép lên bánh. Cách này ép nước ra khỏi bánh chắc hơn.

Vớt bánh

Vớt bánh

– Khi bánh khô bạn cất bánh vào chỗ thoáng mát, khô ráo ăn dần.

Bánh chưng là loại bánh dân tộc, mỗi người con đất Việt mỗi khi đi xa hay đang ở nước ngoài, một cái bánh chưng cũng giúp họ ấm lòng, nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương mỗi khi Tết đến xuân về. Nó là niềm tự hào dân tộc, là điều đặc biệt mà người dân bạn bè năm châu đều muốn nếm thử mỗi khi đến Việt Nam.

Miếng bánh khi vào miệng thì có vị mềm dẻo của gạo nếp cùng sự béo ngậy của thịt lợn, bùi bùi của đậu xanh cùng cái cay cay của tiêu, ăn cùng củ kiệu dưa muối thì còn gì hơn.

2. Bánh Chưng và một số thông tin hữu ích

2.1 Cách gọi tên Bánh Chưng hay Bánh Trưng là đúng chính tả?

– Có nhiều người thắc mắc gọi loại bánh này là bánh chưng hay bánh trưng? Tiếng việt có hai âm tiết ch và tr khi đọc nhanh hay trong văn nói thường ngày dễ bị nhầm lẫn với nhau. Nếu là văn viết thì rất dễ nhưng trong văn nói thì vì không phải từ thông dụng nên nhiều người không phân biệt được. Và theo sự thật đã chứng minh, bánh chưng là đúng còn từ bánh trưng là hoàn toàn sai.

2.2 Nguồn gốc và ý nghĩa của bánh Chưng

Nguồn gốc của bánh Chưng

– Chắc hẳn ai cũng biết sự tích bánh chưng bánh giầy phải không? Theo cổ tích thì bánh chưng có nguồn gốc từ đời vua Hùng thứ 6. Trong một dịp năm mới vua tuyên bố ai dâng lên được món quà có ý nghĩa nhất thì vua sẽ truyền ngôi cho người đấy.

Các vị hoàng tử ai cũng đi khắp nơi, lên rừng xuống biển tìm sơn hào hải vị dâng tặng vua. 

– Chỉ có riêng vị hoàng tử thứ 18 – Lang Liêu mồ côi mẹ từ nhỏ là không biết nên dâng lễ vật gì. Thế rồi một đêm có vị thần đến mách bảo “Trời đất không có gì quý bằng hạt gạo hãy lấy gạo nặn thành hình tròn và vuông tượng trưng cho đất và trời, nhân bánh tựa công ơn sinh thành cha mẹ”.

Vậy là chàng làm ra hai loại bánh, bánh giầy trắng bạch tượng trưng cho trời, bánh chưng vuông vức tượng trưng cho đất. Món quà này rất hợp ý vua và chàng được thừa kế ngai vị.

Ý nghĩa của bánh Chưng

Theo truyền thuyết Lang Liêu thì bánh chưng được làm ra tượng trưng cho đất. Lá xanh ở bên ngoài bao bọc nhân thể hiện sự yêu thương đùm bọc của cha mẹ với con cái.

Bánh này ông làm để dâng lên vua cha thể hiện lòng hiếu thảo của mình. Vậy nên bánh chưng không chỉ có ý nghĩa cảm tạ trời đất mà còn thể hiện sự hiếu thảo, kính trọng của con cháu với ông bà cha mẹ.

3. Kết bài

Ngày nay cuộc sống bộn bề công việc, nhiều người đã quên đi ý nghĩa thực sự của ngày tết, chỉ quan tâm đến sự nghiệp công việc mà vô tình lãng quên gia đình.

 #Wikiohana mong rằng truyền thống tốt đẹp của ông cha ta vẫn sẽ mãi được lưu truyền để mọi người xích lại gần nhau hơn, để ngày Tết thêm ý nghĩa trọn vẹn.

Cập nhật 01/07/2020

5/5 - (1 bình chọn)
5/5 - (1 bình chọn)